Đưa dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực

11/10/2024
Đưa dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn
Siêu Lớn
Tỉnh Bắc Kạn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển vùng trồng cây dược liệu, xây dựng nhà máy chế biến thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Tiềm năng dồi dào

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc, diện tích đất trồng cây hàng năm gần 38.000ha, đất rừng và đất lâm nghiệp hơn 333.000ha. Ngoài những cây trồng chủ lực như cam quýt, hồng không hạt, dong riềng, gạo bao thai…địa phương này còn có tiềm năng phát triển cây dược liệu.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 1.000 loài cây dược liệu, thuộc 190 họ khác nhau, trong đó có nhiều loại cây quý mọc dưới tán rừng tự nhiên.

Đáng chú ý trong số này có 52 loài đã đưa vào Sách đỏ Việt Nam, một số loài có giá trị bảo tồn cao, nhiều tiềm năng để khai thác kinh tế như ba kích, cát sâm, đẳng sâm, kê huyết đằng…

Nguồn tài nguyên dược liệu này nếu được bảo vệ và khai thác hợp lý sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Hiện nay nhu cầu thị trường về sản phẩm dược liệu rất lớn, do đó việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu đang được chính quyền địa phương quan tâm thu hút đầu tư.

Theo đó, Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 10-NQTU ngày 22/4/2021 về phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Quyết định số 2362/QĐ-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn. Nghị quyết số 01/2022/NQ-HÐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh quy định các mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu.

Năm 2020, tỉnh đã ban hành kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu phát triển các loại cây dược liệu theo hướng khai thác lợi thế, thực hiện theo chuỗi giá trị gia tăng, xác định phát triển cây dược liệu dựa trên cơ sở định hướng quy hoạch vùng trồng, ứng dụng khoa học công nghệ theo chuỗi, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu, đưa sản phẩm dược liệu thành hàng hóa quan trọng của địa phương, tham gia vào ngành hàng chủ lực của quốc gia.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ phát triển 4 vùng trồng dược liệu tập trung gồm: Tiểu vùng Trung tâm; Tiểu vùng phía Đông; Tiểu vùng phía Tây; Tiểu vùng phía Bắc và Đông Bắc với 26 loài dược liệu, đạt diện tích 545ha vào năm 2025.

Hợp tác xã (HTX) Văn Lang ở huyện Na Rì là đơn vị tiên phong trồng và chế biến cây dược liệu. HTX này đã đầu tư vùng nguyên liệu trồng cà gai leo, xạ đen, cát sâm với diện tích khoảng 12ha.

Đại diện HTX này cho biết, điều kiện tự nhiên của xã Văn Lang phù hợp với nhiều loại cây dược liệu. Để làm được HTX đã vận động người dân trong vùng tham gia. Ban đầu, bà con còn e ngại nhưng khi trồng thử thấy có hiệu quả nên tiếp tục phát triển, đến nay diện tích ngày càng tăng.

Ngoài trồng, HTX còn hỗ trợ bà con trong huyện Na Rì về giống cây, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu, khi được thu hoạch HTX sẽ  thu mua để chế biến.

Tại thành phố Bắc Kạn, HTX Nông nghiệp Tân Thành (xã Nông Thượng) đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng và chế biến các sản phẩm từ củ nghệ nếp vàng. Hiện HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 130ha, liên kết với 400 hộ dân ở thành phố Bắc Kạn và các huyện. Năm 2023, vùng nguyên liệu trồng nghệ của đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, một số diện tích đạt chuẩn hữu cơ. Sản phẩm chủ yếu của HTX là nghệ thái lát, bột nghệ, viên nghệ, tinh nghệ, các sản phẩm bán tại thị trường trong nước, đang xúc tiến xuất khẩu sang một số nước có tiềm năng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết, sản phẩm chính của HTX được chế biến từ củ nghệ nếp đỏ và củ nghệ nếp đen. Hiện nay HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động của địa phương. Thu nhập trung bình đạt 6 triệu đồng/tháng/thành viên, tạo việc làm thời vụ cho 72 lao động, mức thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng.

Nhờ thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ, khuyến khích, đến nay toàn tỉnh trồng được 529ha cây dược liệu, đạt 96% mục tiêu kế hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021-2025.

Chế biến sâu, nâng cao giá trị

Chỉ vài năm trước, trồng và chế biến dược liệu còn khá xa lạ với người dân cũng như các HTX ở Bắc Kạn. Nhưng nhờ các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển vùng dược liệu, đến nay Bắc Kạn đã có nhiều chủ thể tham gia sản xuất theo chuỗi, từ sơ cấp đến thứ cấp. Hiện toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp, HTX sản xuất sơ cấp, 14 đơn vị sản xuất thứ cấp chế biến sâu dưới các dạng bào chế, đóng gói.

Trong lĩnh vực chế biến, tiêu biểu là HTX Hương Ngàn (Bạch Thông) trồng và sản xuất tinh dầu sả, quýt; HTX Văn Lang và HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (huyện Na Rì) trồng, chế biến cây cà gai leo, giảo cổ lam, hà thủ ô, xạ đen, cát sâm; HTX Nông nghiệp Tân Thành, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà với các sản phẩm từ củ nghệ nếp vàng. Đa số các mặt hàng này đã trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.

Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho biết, giai đoạn 2022-2025, tỉnh có 14 dự án được đưa vào danh mục liên kết, sản xuất, chế biến dược liệu. Các dự án tham gia vào chuỗi sản xuất được kỳ vọng tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, hình thành các nhà máy, cơ sở chế biến dược liệu quy mô vừa và nhỏ. Các chủ thể này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Hiện nay tỉnh đang triển khai dự án đầu tư phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Ba Bể. Mục tiêu là đến năm 2025 xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 200ha. Cùng với đó xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ để đưa việc trồng, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị kinh tế cao”, ông Hải cho biết thêm.

Dự án đầu tư, hỗ trợ, phát triển vùng trồng dược liệu quý tại Ba Bể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-UBND ngày 02/02/2024. Đây là dự án nông nghiệp quy mô lớn đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn, thời gian thực hiện 2 năm (2024-2025) với số vốn hơn 200 tỷ đồng (vốn ngân sách và doanh nghiệp đầu tư).

Mục tiêu của dự án là hình thành vùng trồng dược liệu tập trung khoảng 225ha, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vùng nguyên liệu của dự án sẽ xây dựng 70ha trồng dược liệu tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hơn 150ha khác đạt chuẩn GACP-WHO. Dự án còn hướng tới xây dựng 10 hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết với 1.000 hộ. Để đảm bảo đầu ra, dự án cũng đang xây dựng nhà máy quy mô 5ha tại xã Chu Hương để phục vụ chế biến tại chỗ.

Trong những năm tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục vận dụng linh hoạt chính sách, kêu gọi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân tham gia trồng, sản xuất, chế biến dược liệu. Địa phương này cũng khuyến khích nghiên cứu, sử dụng, chọn tạo ra giống cho năng suất, chất lượng tốt phù hợp đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn kinh phí thực hiện các dự án nghiên cứu bảo tồn, phát triển dược liệu, đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng khâu sản xuất, phát triển các loại giống bản địa.

0 bình luận, đánh giá về Đưa dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.19281 sec| 2601.016 kb